Huyện Nhà Bè (TP.HCM): Bản án sơ thẩm ‘thấu tình đạt lý’, ‘kẻ có công người có của’

Minh Đức - Quang Linh - 29/05/2023 - 23:03
CLY - Báo Công lý nhận đơn của bà Trần Thị Ngọc Huệ trình bày, vừa qua TAND huyện Nhà Bè ban hành bản án sơ thẩm tuyên buộc bà Huệ trả lại ½ diện tích trong số 1.772 m2 đất tranh chấp, đồng thời tiền bồi thường đất bị thu hồi cũng được chia đều cho hai nhà.

Tại nội dung bản án ngày 01/12/2022 của TAND huyện Nhà Bè, bà Đặng Thị Lộc (62 tuổi) trình bày: Năm 1960, cha bà là ông Đặng Văn Lăng (sinh năm 1920) có khai hoang phần đất khoảng 2.500m2. Cất căn nhà lá khoảng 80m2 tại địa chỉ 7/6 Ấp 1 (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) để ở. Gia đình gồm 4 nhân khẩu: ông Lăng, bà Huỳnh Thị Nhiễu (sinh năm 1891), bà Đặng Thị Hoa (sinh năm 1957, chị bà Lộc) và bà Lộc.

Năm 1987, bà Trần Thị Ngọc Huệ 60 tuổi (ngụ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) xin ở nhờ nhà bà Lộc để sinh con. Bà Lộc chỉ cho bà Huệ ở trong căn nhà 80m2, đất gò xung quanh khoảng 55m2, khoảng 1.900m2 đất ruộng đã trồng dừa nước. Việc cho ở nhờ chỉ thoả thuận miệng.

Cũng tại bản án sơ thẩm này bà Huệ trình bày: Phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc do ông Sáu Thới khai hoang trước năm 1975. Sáu Thới làm chòi lá trên đất để ở chăn vịt mưu sinh, đồng thời rước bà Huỳnh Thị Nhiễu về sống chung. Sau khi ông Sáu Thới chết, ông Đặng Văn Lăng (cháu bà Nhiễu, cha bà Đặng Thị Lộc) đến ở nhờ. Năm 1976, ông Lăng chết, bà Nhiễu ở một mình trên chòi lá.

Năm 1987, bà Nhiễu già yếu nên đồng ý bán đứt đoạn phần đất tranh chấp trên cho vợ chồng bà Huệ giá 1,5 chỉ vàng, việc mua bán này chỉ giao dịch miệng. Từ lúc này, vợ chồng bà Huệ cất nhà trên khuôn viên đất (không phải trên căn chòi cũ bà Nhiễu đã ở trước đó) vừa canh tác trồng lúa, trồng dừa nước để sinh sống.

Năm 1998, bà Huệ sang nhượng 114m2 đất cho ông Phạm Văn Lòng và chuyển nhượng cho bà Lương Thị Nên 48m2 cất nhà ở.

Năm 2004, khi tiến hành kê khai, xác nhận nguồn gốc nhà đất để cấp giấy CNQSDĐ, bà Huệ nhờ bà Lộc tái xác nhận việc mua bán chuyển nhượng thì bà Lộc không đồng ý. Bà Lộc cho rằng vợ chồng bà Huệ chiếm đất nên tố cáo, sau đó khởi kiện ra Toà án. Tuy nhiên ngày 12/8/2012, Công an huyện Nhà Bè thông báo vợ chồng bà Huệ không có dấu hiệu tội phạm như bà Lộc tố cáo.

Ngày 24/4/2013, TAND huyện Nhà Bè ban hành quyết định đình chỉ vụ án giữa bà Lộc và bè Huệ với lý do đất đang tranh chấp thuộc diện Nhà nước quản lý, chưa cấp quyền sử dụng cho cá nhân nào, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Ngày 31/7/2013, TAND TP.HCM ban hành quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bà Lộc; huỷ một phần quyết định của TAND huyện Nhà Bè, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết.

Trở lại lời trình bày của bà Lộc, sau khi Toà cấp phúc thẩm năm 2013 (tức TAND TP.HCM) chấp nhận kháng cáo, huỷ một phần quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, bà Lộc tiếp tục gửi đơn tố cáo vợ chồng bà Huệ đến PC45 và VKSND TP.HCM.

Ngày 07/7/2014, Công an huyện Nhà Bè có Công văn 123/CQĐT xác minh nguồn gốc nhà đất là của ông Đặng Văn Lăng khai hoang và sử dụng từ trước giải phóng. Đồng thời, Công an cũng xác nhận căn nhà số 7/6 vẫn còn, hiện bà Huệ đang ở thông qua văn bản 1098/CANB ngày 14/10/2014. Mặt khác, UBND huyện Nhà Bè cũng có văn bản xác nhận vị trí đất tranh chấp có nhà, đề nghị bà Lộc khởi kiện tại Toà án.

Ngày 20/4/2015, bà Lộc khởi kiện bà Huệ ra Toà huyện Nhà Bè dựa trên các chứng cứ nêu trên. Tuy nhiên, gia đình bà Huệ liên tục khiếu nại, cho rằng Công văn 123 không đúng sự thật, không đúng thẩm quyền.

Ngày 21/12/2017, Công an huyện Nhà Bè ban hành quyết định thu hồi Công văn 123, với lý do có một số nội dung không phù hợp, đồng thời giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án đối với tố cáo của bà Lộc cho rằng bà Huệ lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên toà sơ thẩm lần này, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (tức bà Đặng Thị Lộc), đồng thời cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn, tuyên xử: Buộc bà Huệ trả lại cho bà Lộc ½ diện tích đất tranh chấp; tiền đền bù ảnh hưởng dự án giải quyết do triều cường cũng được chia đều cho hai bên.

Dù chưa được như ý nhưng bà Huệ vẫn chấp nhận, vẫn xem bản án của Toà là phán quyết cuối cùng. Sau gần 20 năm bị kiện tụng, “vô phúc đáo tụng đình”, bà không thể theo hầu mãi. Phần các con đã lớn, 15 nhân khẩu chưa có mái nhà lành lặn, chưa an cư - chưa lạc nghiệp. Vì vậy bà xem bản án của Toà là “có lý có tình”.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO