Tọa đàm "Công nghệ số và những tác động trong lĩnh vực pháp lý"

Văn Vũ - Trí Nhân - 16/06/2023 - 11:15
CLY - Ngày 14/6/2023 tại UEL Space, Chi hội Luật gia Trường Đại học Kinh tế Luật (UEL) đã tổ chức thành công chương trình Tọa đàm khoa học “Công nghệ số và những tác động trong lĩnh vực pháp lý”.

Tòa đàm được tổ chức với mục đích tạo nên một diễn đàn học thuật định kỳ để các luật gia, chuyên gia, nhà nghiên cứu, người hoạt động thực tiễn có điều kiện gắn kết hoạt động và đóng góp ý kiến, giải pháp cho việc cải cách, hoàn thiện pháp luật trong bối cảnh công nghệ số tại Việt Nam và chào mừng ngày thành lập Chi hội Luật gia UEL.

Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có sự hiện diện của: TS Phan Đình Khánh, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu và Đào tạo Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh; Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh, Chánh án TAND Quận 1; Ông Trần Anh Cường, Chủ tịch Công Đoàn ĐHQG – HCM; Ông Phạm Quốc Thuần, Phó chủ tịch Công Đoàn ĐHQG – HCM; Về phía UEL có: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, UVBCH Đảng uỷ (phụ trách hoạt động Chi hội Luật gia UEL); ThS Ngô Minh Tín, Chi hội Trưởng, Chi Hội Luật gia và các nhà nghiên cứu, luật gia, giảng viên, doanh nghiệp, học viên, sinh viên trong và ngoài trường cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung đánh giá cao hoạt động của Chi hội Luật gia trong thời gian qua. Chương trình Tọa đàm lần này là một sự kiện thiết thực và là nơi để các thành viên chi hội cũng như học giả trong, ngoài trường cùng trao đổi, phân tích chuyên sâu các vấn đề mới trong lĩnh vực pháp lý.

Chủ đề của tọa đàm đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhận được hơn 20 bài viết gửi về chương trình. Trong đó, 03 bài viết được chọn trình bày tại tọa đàm gồm: Tham luận “Sử dụng chứng cứ điện tử trong hoạt động tố tụng” của TS.LS Lương Khải Ân đã hướng đến nhiều vấn đề quan trọng trong luật tố tụng dân sự, luật dân sự và các luật chuyên ngành có quy định đến chứng cứ và chứng cứ điện tử trong hoạt động tố tụng hiện nay, pháp luật đặt ra trách nhiện của đương sự (tổ chức kinh tế) ngay khi gửi hồ sơ kiện với các tài liệu chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền. Chứng cứ và trách nhiệm chứng minh luôn quan hệ pháp lý với nhau. Sẽ không có chứng điện tử được xem là hợp pháp nếu chứng cứ đó không được sử dụng nhằm đạt được các mục đích nhất định theo các yêu cầu giải quyết của các cơ quan tố tụng…

Tham luận “Chuyển đổi số tiến tới xây dựng toà án điện tử - Thực tiễn tại Tòa án nhân dân Quận 1, TP. Hồ Chí Minh” do Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh, Chánh án TAND Quận 1 trình bày, trong đó việc rút ngắn thời gian, tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức là vấn đề được tòa án quận 1 quan tâm hang đầu, ông cho biết thêm: Cho đến nay kho lưu trữ tại Toà án nhân dân quận đã được số hoá, có tác dụng rát lớn trong việc trích lục các bản án, đặc biệt là các bản án trước năm 2000 thì thông thường toà quận 1 mất đến 7 - 14 ngày để sao lưu bản sao cho người dân, tổ chức, không thể nhanh hơn được vì cán bộ lưu trữ phải thực hiện các khâu như: vào kho lưu trữ, sao chụp lại bản án, rồi làm các thủ tục trình lãnh đạo ký,…Nhưng từ tháng 3 năm 2023 tòa quận 1 đã rút ngắn thời gian này chỉ còn từ 5 đến 10 phút, vì toàn bộ dữ liệu đã được cập nhật ngay trên hệ thống của toà,… áp dụng các tiện ích của excel, word trong các hoạt động thường xuyên của đơn vị như: phân công án ngẫu nhiên, lấy số văn bản tố tụng; phân công hội thẩm tham gia phiên tòa, tạo bộ công cụ tự động soạn thảo văn bản tố tụng.

Tham luận “Trọng tài trong bối cảnh 4.0” của TS Lê Nguyễn Gia Thiện, trình bày tại toạ đàm cũng mang đến nhiều kiến thức, quan điểm thú vị về công nghệ số, đặc biệt là công nghệ AI trong thời đại số, bên cạnh những ưu thế lớn về tính năng như một trợ thủ đắc lực cho trọng tài viên, trong tương lai gần, công nghệ số còn góp phần nâng cao tính hội nhập trong các phán quyết của trọng tài, nâng cao vai trò của công nghệ trong quá trình hội nhập quốc tế…

Sau phần trình bày, các bài tham luận đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi và bình luận của các học giả, luật gia tham gia tọa đàm. Các ý kiến trao đổi tập trung vào những vấn đề phát sinh đối với sự phát triển của công nghệ số, AI, chứng cứ số, tiền ảo,… trong quá trình áp dụng pháp luật cũng như trong quá trình xét xử của tòa án hay trọng tài trên thực tế.

Cũng tại tọa đàm, Đại diện Chi hội Luật gia đã công bố thỏa thuận hợp tác giữa Chi hội Luật gia UEL và Công đoàn Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh. Các nội dung chính của thỏa thuận tập trung vào các chủ đề: Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật; Phối hợp tổ chức các chương trình hỗ trợ, tư vấn pháp lý, giải đáp pháp luật thường xuyên hoặc theo chuyên đề; Tư vấn hướng giải quyết các vấn đề tranh chấp lao động, các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi xử lý của Ban chấp hành Công đoàn ĐHQG-HCM.

Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO